Đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ trẻ chức vụ trưởng, phó phòng ban và tương đương của Văn phòng UBND tỉnh đạt từ 22% trở lên
16/12/2022
Triển khai Đề án của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Văn phòng UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.

Theo quy định tại Đề án số 04-ĐA/TU ngày 12/8/2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 648/KH-UBND ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh về tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, cán bộ trẻ có độ tuổi dưới 40 tuổi; cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số có độ tuổi dưới 50 tuổi với thời điểm tính tuổi là năm 2025. 

Văn phòng UBND tỉnh quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ (Ảnh: Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh công bố Quyết định bổ nhiệm Trưởng phòng Giao thông - Công nghiệp - Xây dựng)

Từ thực tiễn của đơn vị, Văn phòng UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu:

Đề xuất cấp có thẩm quyền đạt tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo Văn phòng đến năm 2025 đạt từ 25% trở lên; đến năm 2030 đạt 30% trở lên; 

Tỷ lệ cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo trưởng, phó phòng ban và tương đương đến năm 2025 đạt từ 22% trở lên; đến năm 2030 đạt từ 25% trở lên;

Tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo trưởng, phó phòng ban và tương đương đến năm 2025 đạt 40% và duy trì tỷ lệ này trong những năm tiếp theo; 

Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt từ 20% trở lên; 

Đảm bảo tỷ lệ cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp trong tổng số cán bộ tham gia cấp ủy và lãnh đạo, quản lý của đơn vị. 

Để thực hiện đạt các mục tiêu này, Văn phòng UBND tỉnh xác định phải tạo được sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ tại chỗ kết hợp với nguồn cán bộ từ nơi khác đến (luân chuyển, điều động, tiếp nhận…) để chủ động trong bố trí, sử dụng cán bộ. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, từ việc tuyển dụng, tiếp nhận đến quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu, ứng cử, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ...

Trong quy hoạch cán bộ, ưu tiên xem xét, lựa chọn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số để quy hoạch vào cấp ủy và các chức danh chủ chốt trong cơ quan, đơn vị; trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài. 

Một số chính sách cụ thể đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số sẽ được thực hiện như: Khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, ngoài các chế độ được hưởng theo quy định hiện hành còn được hỗ trợ thêm chế độ khác; hằng năm rà soát, ưu tiên cử cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số đi thi nâng ngạch, thăng hạng, đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số có nhu cầu tự học để nâng cao trình độ phù hợp với vị trí việc làm hoặc chức danh được quy hoạch...

Để triển khai thực hiện hiệu quả việc tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, Văn phòng UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh Văn phòng làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Phó Chánh Văn phòng làm thành viên Ban Chỉ đạo; Trưởng phòng Hành chính tổ chức - Quản trị tài vụ làm thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo. 

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án quyết định thành lập Tổ giúp việc và tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án./.

Tác giả: Bích Huệ