UBND tỉnh tổ chức giao ban công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06
11/09/2023
Chiều 7/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng chủ trì phiên họp giao ban về công tác cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Tham dự Phiên họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.

Năm 2023, công tác CCHC của tỉnh tiếp tục được các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và đạt được một số kết quả nhất định. Số nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC năm 2023 đến nay đã hoàn thành 4 nhiệm vụ, tăng thêm 2 nhiệm vụ so với 6 tháng đầu năm. Kế hoạch duy trì và khắc phục Chỉ số CCHC của tỉnh có 18/67 tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa. Một số cơ quan, đơn vị đã có sáng kiến, giải pháp mới trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với CCHC mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện Kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế chỉ số năm 2022, nâng cao chỉ số năm 2023, tính đến tháng 8/2023, trong tổng số 27 tiêu chí, tiêu chí thành phần đã có 13 tiêu chí, tiêu chí thành phần đạt điểm tối đa; 1 tiêu chí chưa đạt điểm tối đa; 13 tiêu chí chưa đạt điểm.

Đối với các nhiệm vụ chuyển đổi số, theo báo cáo của cơ quan thường trực, đến nay, các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chủ đầu tư triển khai 42 nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số đã rà soát, tổ chức thực hiện các bước. Riêng nhiệm vụ mua sắm máy tính, máy scan cho bộ phận “một cửa” cấp xã đã có 99/108 xã, phường, thị trấn đã lắp đặt xong thiết bị.

Tính đến ngày 20/8, kinh phí đã giải ngân trên 1,1 tỷ đồng, đạt 1,7% tổng kinh phí cấp năm 2023. Hầu hết các nhiệm vụ/dự án kinh phí lớn trong danh mục nhiệm vụ/dự án được phê duyệt chưa giải ngân do các đơn vị được giao chủ trì đang thực hiện các bước lập hồ sơ dự án.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu trao đổi tại Phiên họp

Tại Phiên họp, cơ quan thường trực đã công bố sơ bộ xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các đơn vị sở, ngành, địa phương. Theo đó, khối sở, ban, ngành, đứng đầu là Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiếp theo là Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đơn vị xếp cuối là Trường Cao đẳng Bắc Kạn, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể. Khối huyện, thành phố, đứng đầu là thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới, huyện Na Rì; xếp cuối là huyện Ba Bể, huyện Bạch Thông. Ở cấp xã, đứng đầu là xã Thanh Mai, Thanh Vận (Chợ Mới), phường Sông Cầu, Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn), xã Mỹ Thanh (Bạch Thông); xếp cuối là các xã Văn Minh (Na Rì), Công Bằng, Xuân La, Cổ Linh (Pác Nặm), phường Xuất Hóa (thành phố Bắc Kạn).

Về kết quả thực hiện Đề án 06, đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu. Tính đến ngày 15/8/2023, có 16 chỉ tiêu về làm sạch dữ liệu thông tin dân cư đã hoàn thành; hoàn thành việc tích hợp kết nối giữa hệ thống một cửa điện tử với phần mềm dịch vụ công liên thông để triển khai, thực hiện 2 dịch vụ công liên thông. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Bắc Kạn là đơn vị duy nhất trong toàn quốc chưa hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh để tạo thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính…

Tại Phiên họp, các đơn vị đã trao đổi làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số, CCHC; đồng thời đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng kết luận Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đề nghị, trong công tác CCHC, các sở, ngành, địa phương rà soát các tiêu chí chấm điểm để xem xét, đánh giá; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục thời gian; quyết liệt, sâu sát hơn, mạnh mẽ hơn trong khâu rà soát, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tập trung xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai những dự án đã phê duyệt; bố trí bộ máy cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, nâng cao tinh thần phục vụ người dân...

Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, đường truyền; bộ phận "một cửa" thực hiện nghiêm việc nhận hồ sơ trực tuyến. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh phổ cập điện thoại thông minh cho người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP, đặc biệt là thực hiện tốt các mô hình đã đăng ký.../.

Tác giả: MH/backan.gov.vn