UBND tỉnh họp phiên tháng 8/2023
25/08/2023
Chiều 25/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên, Phạm Duy Hưng, Nông Quang Nhất chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 8/2023. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 8 điểm cầu UBND huyện, thành phố.


Các đại biểu dự Phiên họp tại điểm cầu trung tâm

Kinh tế 8 tháng đầu năm 2023 có tăng trưởng

Tại Phiên họp, các đại biểu đều nhận định, trong tháng 8 và 8 tháng năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế được khẩn trương thực hiện; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; các hoạt động thương mại, dịch vụ nhìn chung ổn định...

Toàn tỉnh triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, sản lượng lương thực có hạt 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 77.606 tấn, đạt 92% kế hoạch, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Đàn vật nuôi phát triển ổn định. Đến ngày 15/8/2023, toàn tỉnh đã trồng được 4.096 ha rừng, đạt 101% kế hoạch…

Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành tăng 10,47% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp ước được trên 1.061 tỷ đồng, đạt 59,87% kế hoạch, tăng 11,19% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại, dịch vụ nhìn chung ổn định, lượng hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng ước đạt 5.710,1 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến 20/8/2023 được 482 tỷ đồng, đạt 59% dự toán Trung ương giao, đạt 48% dự toán tỉnh giao, trong đó thu nội địa được 461 tỷ đồng, đạt 47% dự toán tỉnh giao; thu xuất nhập khẩu được 19,5 tỷ đồng, đạt 78% dự toán tỉnh giao.

UBND tỉnh kịp thời triển khai và chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các cơ chế chính sách theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn thực hiện đến ngày 31/7/2023 đạt 12.920 tỷ đồng, tăng 7% so với 31/12/2022. Ước tính nợ xấu đến ngày 31/8/2023 đạt 62 tỷ đồng, chiếm 0,5% trong tổng dư nợ, giảm 4,6% so với cuối năm 2022, giảm 37% so với cùng kỳ.

Một số chỉ tiêu phát triển chưa ổn định

Trao đổi tại Phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các Chương trình MTQG còn chậm. Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 2.850 tỷ đồng, đã thực hiện phân bổ chi tiết là 2.730 tỷ đồng đạt 96%; số chưa phân bổ chi tiết là 120 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đến ngày 18/8/2023 đạt 800 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 là 1.086,8 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đến ngày 18/8/2023 đạt 234 tỷ đồng, đạt 21,6% kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài. Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình MTQG năm 2023 của tỉnh là 1.106 tỷ đồng; đến ngày 18/8/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 185 tỷ đồng, đạt 28,6% kế hoạch, giải ngân vốn sự nghiệp 20 tỷ đồng, đạt 4,24% kế hoạch.


Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Phiên họp

Theo lãnh đạo các huyện, thành phố và một số chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân tại các địa phương chưa đạt kế hoạch đề ra chủ yếu do một số văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền còn chưa ban hành kịp thời, nhất là trong thực hiện các Chương trình MTQG; khó khăn, vướng mắc về cơ chế còn chậm được giải quyết; việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn qua nhiều thủ tục, dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Công Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng hoạt động còn cao, công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, số lượng dự án đầu tư ngoài ngân sách đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân do lãi suất cao, sức hấp thụ vốn chậm, nhu cầu vay vốn tín dụng của doanh nghiệp giảm giá cả nguyên vật liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh; các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn đang trong quá trình triển khai chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên cho rằng, một số chỉ tiêu đạt thấp cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là có nguyên nhân do công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan có lúc chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả phối hợp chưa cao. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành; năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa chủ động, linh hoạt trong xử lý công việc, đặc biệt ở cấp cơ sở…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một số lãnh đạo đơn vị, địa phương chưa thật sự chỉ đạo sát sao nên công tác cải cách thủ tục hành chính và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn ít nhiều mang tính hình thức, chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp…

Quyết liệt thực hiện có hiệu quả kịch bản tăng trưởng

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đánh giá, kinh tế của tỉnh 8 tháng có tăng trưởng, trong đó có một số lĩnh vực kết quả thực hiện đạt khá so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên so với kế hoạch vẫn chưa đạt yêu cầu, như: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng hoạt động còn cao, công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, số lượng dự án đầu tư ngoài ngân sách đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ…


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình kết luận cuộc họp

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu rà soát, có giải pháp quyết liệt, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm 2023, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó tập trung chỉ đạo thu ngân sách, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. Thực hiện quản lý chi ngân sách chặt chẽ, chủ động, tiết kiệm, đúng quy định và trong phạm vi dự toán được giao. Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh; chủ động có phương án ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không để bùng phát trên diện rộng. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở, chủ động chỉ đạo và tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Các đơn vị, địa phương được giao làm chủ đầu tư thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân chung của toàn tỉnh; xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số, Đề án 06, giảm chi phí người dân, doanh nghiệp; xây dựng các mô hình điểm liên quan đến dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã. Tập trung thúc đẩy, hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, sớm đưa dự án vào vận hành khai thác; kiên quyết xử lý đối với các dự án triển khai thực hiện không đúng cam kết. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Về các lĩnh vực văn hóa - xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Bắc Kạn và UBND các huyện, thành phố chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đội ngũ cho năm học mới 2023 - 2024; tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Tập trung triển khai nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch; thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Sở Y tế và các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống các dịch bệnh, không lơ là, chủ quan, sẵn sàng các phương án, kịch bản, chủ động kịp thời ứng phó với tình hình của dịch bệnh…

Đối với đề xuất, kiến nghị của các địa phương, yêu cầu các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng, thấu đáo những nội dung thuộc thẩm quyền, kịp thời tham mưu, đề xuất những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh./